- Cung cấp những tiêu chuẩn, hướng dẫn cho nhân viên vệ sinh, nhân viên y tế biết từng bước để thực hiện đúng công việc vệ sinh môi trường bề mặt.
- Giúp nhân viên giám sát vệ sinh môi trường bề mặt dễ quan sát theo dõi quá trình làm vệ sinh
2.1. Đối tượng
- Nhân viên vệ sinh, hộ lý, nhân viên y tế các khoa.
2.2. Phạm vi áp dụng
- Áp dụng cho các loại buồng bệnh không phải bệnh truyền nhiễm nhóm A.
- Nhân viên vệ sinh, hộ lý, nhân viên y tế tuân thủ đúng quy trình vệ sinh buồng bệnh.
- Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng Điều dưỡng thực hiện giám sát quá trình và kết quả thực hiện vệ sinh bề mặt môi trường buồng bệnh.
4.1. Định nghĩa
- Vệ sinh môi trường bề mặt là biện pháp làm sạch môi trường trong các khoa, phòng, tạo sự thông thoáng dễ chịu và sạch sẽ.
- Môi trường bệnh viện là nơi chứa đựng nhiều vi khuẩn, virus; đây cũng là nơi có nhiều người đi lại, làm việc, khám chữa bệnh,...nên việc làm vệ sinh bệnh viện phải đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn vệ sinh, tránh lây nhiễm chéo cho nhau.
- Khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao: Khu vực có bề mặt bị phơi nhiễm với lượng lớn máu hoặc dịch cơ thể khác (Ví dụ: Khu vực lọc máu, khoa HSTC-CĐ, nhà vệ sinh) hoặc khu tiếp nhận, cách ly NB mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch (Ví dụ khu cách ly NB cúm, SARS, sởi,v.v...). Đối với bề mặt khu vực này cần được làm sạch bởi hóa chất tẩy rửa và khử khuẩn mức độ trung bình hoặc thấp.
- Khu vực có nguy cơ ô nhiễm trung bình: Ngoại trừ các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao; tất cả các buồng bệnh, buồng thủ thuật, nhà vệ sinh, nơi lưu giữ đồ bẩn thuộc khu vực có nguy cơ ô nhiễm trung bình. Bề mặt khu vực này cần được làm sạch bằng hóa chất tẩy rửa.
- Khu vực có nguy cơ ô nhiễm thấp: Bề mặt và/hoặc thiết bị không phơi nhiễm với máu/dịch cơ thể (buồng hành chính, buồng chờ, buồng nhân viên, buồng họp v.v...). Bề mặt tại khu vực này chỉ cần làm sạch bằng hóa chất tẩy rửa, làm sạch.
- Bề mặt tiếp xúc thường xuyên: Bề mặt có tần suất động chạm cao, đặc biệt là động chạm với bàn tay (Ví dụ: tay nắm cửa, nút bấm cầu thang máy, điện thoại, nút nhấn chuông, thành giường, công tắc đèn, bàn phím, thiết bị y tế như máy chạy thận, thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn, tường, giường bệnh,..., ngoài ra còn có sàn nhà, bồn rửa tay, bồn vệ sinh). Những bề mặt thuộc nhóm này cần được làm sạch ít nhất 1 lần/ngày và khi có dây bẩn đối với các khu vực chăm sóc, điều trị thông thường; 2 lần/ ngày và khi có dây bẩn đối với bề mặt có nguy cơ ô nhiễm cao (Cấp cứu, HSTC-CĐ, khu vực hậu phẫu,v.v...)
- Bề mặt ít tiếp xúc: Bề mặt có tần suất động chạm với bàn tay thấp (Ví dụ: Tường, trần, gương, khung cửa, rèm cửa,...). Những bề mặt thuộc nhóm này cần được làm sạch định kỳ 1 tuần/lần hoặc 2 tuần/lần (không yêu cầu làm sạch hằng ngày) và được làm sạch khi có dây bẩn hoặc dịch/chất lỏng tràn ra bề mặt hoặc khi NB ra viện.
4.2. Chữ viết tắt
- BMMT: Bề mặt môi trường.
- NVVS: Nhân viên vệ sinh.
- NB: Người bệnh.
- VSMT: Vệ sinh môi trường.
- NVYT: Nhân viên y tế.
- KSNK: Kiểm soát nhiễm khuẩn.
- PHCN: Phòng hộ cá nhân.
- KCB: Khám chữa bệnh.
- ĐDT: Điều dưỡng trưởng.
- ĐD: Điều dưỡng.
- HSTC-CĐ: Hồi sức tích cực - chống độc.
- BV: Bệnh viện.
- Phương tiện làm sạch: Sử dụng tải/giẻ lau ẩm, sạch và xô, thùng sạch để chứa hóa chất lau khi bắt đầu thực hiện quá trình lau; và được sử dụng riêng cho từng khu vực (khu yêu cầu vô khuẩn cao, khu vệ sinh và khu cách ly).
- Trình tự làm sạch: Làm sạch từ khu vực ít ô nhiễm tới khu vực ô nhiễm nhiều nhất, từ bề mặt ít tiếp xúc tới bề mặt tiếp xúc thường xuyên; từ bề mặt cao tới bề mặt thấp và từ trong ra ngoài.
- Tần suất làm sạch: Ít nhất 1 lần/ngày (Tần suất làm sạch có thể tăng lên nếu như mức độ quá tải NB cao). Làm sạch ngay các bề mặt khi thấy các dịch/chất lỏng tràn ra bề mặt.
- Yêu cầu chất lượng làm sạch: Mọi bề mặt luôn sạch khi quan sát bằng mắt thường (không có bụi, vết bẩn, vết đánh dấu hoặc các chất ô nhiễm khác) và không có mùi khó chịu.
- Yêu cầu về phương tiện phòng hộ cá nhân: Nhân viên khi thực hiện vệ sinh buồng bệnh phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (Khẩu trang, găng tay, tạp dề, ủng...)
- Hóa chất làm sạch: Hóa chất dùng để vệ sinh bề mặt môi trường phải pha đúng tỷ lệ, đúng nồng độ để nâng cao hiệu quả làm sạch bề mặt môi trường (Lưu ý: Việc pha hóa chất thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
- Dung dịch khử khuẩn: Hóa chất dùng để khử khuẩn phải pha đúng tỷ lệ, đúng nồng độ để nâng cao hiệu quả khửu khuẩn bề mặt môi trường (Xem thêm cách pha trong Phụ lục 1).
- Trình tự làm sạch: Làm sạch từ khu vực ít ô nhiễm nhất, từ bề mặt ít tiếp xúc tới bề mặt tiếp xúc thường xuyên, từ bề mặt cao tới bề mặt thấp và từ trong ra ngoài.
- Yêu cầu về chất lượng: Mọi bề mặt luôn sạch khi quan sát bằng mắt thường (không có bụi, vết bẩn, vết đánh dấu hoặc chất ô nhiễm khác) và không có mùi khó chịu.
- Đào tạo: Hộ lý, nhân viên làm sạch phải được đào tạo lại hàng năm.
VỆ SINH BỀ MẶT KHOA, PHÒNG
Bước 1: Chuẩn bị
- Thực hiện vệ sinh tay.
- Mang phương tiện PHCN thích hợp.
- Chuẩn bị đủ phương tiện VSMT bề mặt (Khăn, tải, giẻ lau, xô, biển báo,...); đặt biển báo khu vực ướt, trơn trượt theo đúng quy định.
Bước 2: Pha hóa chất làm sạch và khử khuẩn môi trường
- Pha hóa chất làm sạch và khử khuẩn môi trường theo đúng hướng dẫn về nồng độ và cách pha (Xem Phụ lục 1).
Bước 3: Thu dọn đồ đạc
- Thu dọn đồ đạc, loại bỏ những đồ vật không cần thiết, đã hỏng trong phòng bệnh ra khỏi buồng bệnh.
Bước 4: Lau/quét ẩm cho sạch bụi và hót sạch chất thải, chú ý các góc ở dưới gầm giường, bàn ghế.
Bước 5: Lau sạch và khử khuẩn
- Lau lần 1 với chất tẩy rửa làm sạch (xà phòng).
- Lau lần 2 với nước sạch.
- Lau lần 3 với dung dịch khử khuẩn có chứa Clo 0,1%.
Bước 6: Kê lại đồ đạc đã dịch chuyển trong quá trình vệ sinh vào đúng chỗ.
Bước 7: Thu gọn, đưa dụng cụ, chất thải ra khỏi phòng.
Bước 8: Tháo găng tay và rửa tay.
Bước 9: Ghi vào hồ sơ/Bảng kiểm công việc hàng ngày đã hoàn thành (Xem thêm Phụ lục 02)
Lưu ý:
- Kỹ thuật lau: Lau theo chiều từ "sạch" đến "bẩn"; đối với sàn nhà nên chia đôi khu vực, đặt biển báo để dành 1/2 lối đi. Lau theo hình zíc zắc, đường lau sau không trùng đường lau trước; không dùng mặt khăn bẩn hay tải bẩn để lau lại đường lau trước đó.
- Mỗi tải, khăn lau nhà chỉ lau trong diện tích khoảng 20m2; tải/khăn lau bề mặt bàn chỉ dùng một lần.
- Kỹ thuật vệ sinh kính: Phun dung dịch vệ sinh kính, lau sạch với khăn lau chuyên dụng.
- Đối với khu vực chăm sóc NB sơ sinh, khu vực thông khí không tốt, khi lau khử khuẩn với hóa chất khử khuẩn thì sau khi hóa chất khô phải lau tất cả bề mặt bằng khăn sạch để tẩy đi hóa chất tồn đọng.
- Đối với bề mặt nhạy cảm dễ bị oxy hóa (bề mặt bằng kim loại, bảng điều khiển,...) lau khử khuẩn bằng cồn 60-80 độ.
VỆ SINH BỀ MẶT GIƯỜNG, BÀN, ĐỆM, GHẾ (Thực hiện các bước tương tự vệ sinh bề mặt khoa, phòng)
Bước 1: Chuẩn bị
- Thực hiện vệ sinh tay.
- Mang phương tiện PHCN thích hợp.
- Chuẩn bị đủ phương tiện VSMT bề mặt (Khăn, tải, giẻ lau, xô, biển báo,...); đặt biển báo khu vực ướt, trơn trượt theo đúng quy định.
Bước 2: Pha hóa chất làm sạch và khử khuẩn môi trường
- Pha hóa chất làm sạch và khử khuẩn môi trường theo đúng hướng dẫn về nồng độ và cách pha (Xem Phụ lục 1).
Bước 3: Thu dọn đồ đạc
- Dọn dẹp và lấy bỏ các đồ đạc không cần thiết, các chất thải có trên bề mặt giường, bàn, ghế, đệm trong khu vực cần vệ sinh cho vào thùng đựng chất thải.
Bước 4: Lau sạch bụi bằng khăn ẩm
Bước 5: Lau sạch và khử khuẩn
- Lau lần 1 với chất tẩy rửa làm sạch (xà phòng).
- Lau lần 2 với nước sạch, để khô.
- Lau lần 3 với dung dịch khử khuẩn và để khô.
Bước 6: Kê lại đồ đạc đã dịch chuyển trong quá trình vệ sinh vào đúng chỗ.
Bước 7: Thu gọn, đưa dụng cụ, chất thải ra khỏi phòng.
Bước 8: Tháo găng tay và rửa tay.
Bước 9: Ghi vào hồ sơ/Bảng kiểm công việc hàng ngày đã hoàn thành (Xem thêm Phụ lục 02)
VỆ SINH BỀ MẶT TRẦN, TƯỜNG, CỬA VÀ CÁC DỤNG CỤ KHÁC
Thực hiện với tần suất 1 tuần/lần
Các bước thực hiện:
Bước 1: Thông báo lịch vệ sinh
- Thông báo cho khu vực phải vệ sinh về kế hoạch vệ sinh trần nhà, tường, quạt, đèn,...
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ, hóa chất vệ sinh, mang phương tiện PHCN.
Bước 3: Sắp xếp người bệnh, vật dụng
- Đưa người bệnh ra khỏi phòng.
- Cho các vật dụng trên bàn vào tủ đầu giường hoặc che đậy lại tránh bụi. tắt quạt.
Trường hợp không di chuyển phải có phương tiện che ngăn ngừa bụi bẩn rơi vào người bệnh và phát tán qua xung quanh buồng bệnh và môi trường.
Bước 4: Thực hiện kỹ thuật vệ sinh
- Quét nhẹ nhàng, cẩn thận trần nhà, tường, cửa từ trên xuống loại bỏ bụi và mạng nhện, chú ý tránh bụi rơi vào mắt.
- Lau cửa, kính, tường men, các dụng cụ như quạt trần, đèn,v.v.... bằng chất tẩy rửa/dung dịch khử khuẩn sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn sạch.
- Trường hợp bề mặt quá bẩn có thể dùng bàn chải và chất tẩy rửa cọ rửa sạch sẽ và lau xử lý hết các vết bẩn trên trần, tường, sau đó lau lại bằng nước sạch.
- Sàn nhà; bề mặt giường, nệm, đệm, ghế,...lau sau cùng.
Bước 5: Thu dọn, đưa chất thải, dụng cụ ra khỏi phòng.
Bước 6: Tháo găng tay và rửa tay.
Bước 7: Ghi vào hồ sơ/bảng kiểm công việc hàng ngày đã hoàn thành.
Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/7/2018 quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2012 về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiễm soát nhiễm khuẩn.
Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quy trình thực hành vệ sinh môi trường bề mặt của Bệnh viện Chợ Rẫy (Năm 2023).
PHỤ LỤC 01
HƯỚNG DẪN PHA HÓA CHẤT KHỬ KHUẨN CÓ CHỨA CLO
Tên hóa chất (% Clo hoạt tính) | Đơn vị tính | Lượng hóa chất cần để pha 10 lít | ||||||
0,1% | 0,25% | 0,5% | 1% | 1,25% | 2,5% | 5% | ||
Cloramin B (25%) | Gram | 40 | 100 | 200 | 400 | 500 | 1000 | 2000 |
Dd Javel 10% | Lít | 0,1 | 0,25 | 0,5 | 1 | 1,25 | 2,5 | 5 |
Dd Javel 5% | Lít | 0,2 | 0,5 | 1 | 2 | 2,5 | 5 | 10 |
Dd Javel 2% | Lít | 0,5 | 1,25 | 2,5 | 5 | 6,25 | 12,5 | 25 |
Bột Javel 70% | Gram | 14 | 36 | 72 | 144 | 180 | 360 | 720 |