Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Mã số: 11.QTKT-KSNK
Phiên bản: 2
Ban hành:
Cần xem lại:
Quy trình vệ sinh tay ngoại khoa (Phương pháp vệ sinh tay bằng dung dịch khử khuẩn - Có dùng bàn chải)

Người biên soạn Người xem xét Người phê duyệt
Chữ ký
Họ và tên Trần Thị Phương Anh Trần Thị Phương Anh Dương Thanh
Chức vụ Phụ trách khoa KSNK Phụ trách khoa KSNK Giám đốc
Đã phê duyệt

Quy trình vệ sinh tay ngoại khoa (Phương pháp vệ sinh tay bằng dung dịch khử khuẩn - Có dùng bàn chải)

Phân phối tài liệu
Ban Giám đốc
Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Phòng Kế hoạch tổng hợp
1. MỤC ĐÍCH

- Vệ sinh tay ngoại khoa trước phẫu thuật nhằm loại bỏ hai phổ vi khuẩn vãng lai và định cư có trên da bàn tay, cổ tay, cẳng tay và khuỷa tay nhằm ngăn ngừa lan truyền tác nhân gây bệnh từ tay NVYT vày vết mổ trong quá trình phẫu thuật. 

2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

2.1. Đối tượng

- Mọi nhân viên y tế trực tiếp tham gia phẫu thuật (gồm phẫu thuật viên, phụ mổ, dụng cụ viên và bác sĩ gây mê tiếp xúc trực tiếp người bệnh...) tại phòng phẫu thuật - khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

2.2. Phạm vi áp dụng

- Phòng phẫu thuật - Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức

3. TRÁCH NHIỆM

- Mọi nhân viên y tế trực tiếp tham gia phẫu thuật tại Phòng Phẫu thuật - Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

 

4. ĐỊNH NGHĨA, CHỮ VIẾT TẮT

4.1. Định nghĩa
- Vệ sinh tay ngoại khoa (Surgical hand hygiene): Là rửa tay khử khuẩn hoặc chà tay khử khuẩn được kíp phẫu thuật thực hiện trước mọi phẫu thuật nhằm loại bỏ phổ vi khuẩn vãng lai và định cư trên tay (từ bàn tay tới khuỷa tay).

- Xà phòng khử khuẩn (Antimicrobial soap): Là hợp chất có hoạt tính làm sạch, có chứa chất khử khuẩn.

- Dung dịch vệ sinh tay chứa cồn (Alcohol-based handrub): Là chế phẩm vệ sinh tay dạng dung dịch, dạng gel hoặc dạng bọt chứa cồn isopropanol, ethanol hoặc n-propanol, hoặc kết hợp hai trong những thành phần này hoặc với một chất khử khuẩn và được bổ sung chất làm ẩm, dưỡng da; được sử dụng bằng cách chà tay cho tới khi cồn bay hơi hết, không sử dụng nước.

- Vệ sinh tay (Hand hygiene): Là một thuật ngữ chung để chỉ hoặc rửa tay bằng xà phòng thường, rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn hoặc chà tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn.

- Rửa tay (Hand washing): Là rửa tay với nước và xà phòng thường.

- Phổ vi khuẩn vãng lai: Gồm các vi khuẩn trên da người bệnh hoặc trên bề mặt môi trường bệnh viện và làm ô nhiễm bàn tay trong quá trình chăm sóc và điều trị. Mức độ ô nhiễm bàn tay phụ thuộc vào loại thao tác sạch/bẩn, thời gian thực hiện thao tác và tần suất vệ sinh tay của nhân viên y tế. Phổ vi khuẩn vãng lai là thủ phạm chính gây nhiễm khuẩn bệnh viện và có thể được loại bỏ dễ dàng bằng vệ sinh tay thường quy.

- Phổ vi khuẩn định cư: Là vi khuẩn tồn tại và phát triển trong tế bào biểu bì da tay, đồng thời cũng thấy ở bề mặt da tay và được loại bỏ (diệt khuẩn) bằng vệ sinh tay ngoại khoa.
4.2. Chữ viết tắt
- KBCB: Khám bệnh, chữa bệnh.

- KSNK: Kiểm soát nhiễm khuẩn.

- NB: Người bệnh.

- NKBV: Nhiễm khuẩn bệnh viện.

- NVYT: Nhân viên y tế.

- VST: Vệ sinh tay.

- VSV: Vi sinh vật.

5. NGUYÊN TẮC

- Tất cả nhân viên y tế tham gia phẫu thuật phải vệ sinh tay ngoại khoa trước khi vào phòng phẫu thuật.

- Không đề móng tay dài, tháo bỏ đồ trang sức trên tay, mang trang phục quy định riêng cho khu phẫu thuật trước khi VST ngoại khoa.

- Thời gian chà tay với dung dịch xà phòng khử khuẩn chứa chlorhexidine 4% tối thiểu 3 phút.

- Chà toàn bộ tay theo trình tự từ bàn tay lên tới cổ tay, cẳng tay và khuỷa tay. Trong thời gian chà tay, luôn giữ bàn tay theo hướng lên trên.

- Không sử dụng bàn chải để chà lên da bàn tay tới khuỷa tay.

- Lau khô toàn bộ bàn tay, cẳng tay tới khuỷa tay bằng khăn vô khuẩn.

 

6. AN TOÀN

1. Phương tiện phòng hộ cá nhân

- Quần áo khu phẫu thuật.

- Mũ vải hoặc mũ giấy, khẩu trang ngoại khoa.

- Ủng giấy hoặc dép dành riêng cho khu phẫu thuật được làm sạch và khử khuẩn hàng ngày.

2. Phương tiện vệ sinh tay ngoại khoa

- Bồn rửa tay ngoại khoa chuyên dụng, vòi cấp nước có cần gạt tự động hoặc đạp chân.

- Dung dịch xà phòng khử khuẩn chứa chlorhexidine 4% đựng trong bình kín, có bơm định lượng được cấp tự động hoặc bằng cần gạt tay hoạt động tốt.

- Nước rửa tay: Nước RO.

- Khăn tiệt khuẩn.

7. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

I. Chuẩn bị

- Mặc quần áo khu phẫu thuật.

- Tháo bỏ trang sức trên tay.

- Đội mũ chùm kín tóc, mang khẩu trang che kín mũi miệng.

- Mang ủng giấy hoặc đi dép dành riêng cho khu phẫu thuật.

II. Các bước thực hiện vệ sinh tay ngoại khoa (Phương pháp rửa tay có dùng bàn chải)

Bước 1: Đánh kẽ móng tay (1 phút) (Dùng bàn chải vô khuẩn)

- Làm ướt tay. Lấy 3-5ml dung dịch xà phòng khử khuẩn vào lòng bàn tay.

- Chà sạch kẽ móng tay của từng bàn tay bằng bàn chải trong 30 giây.

Bước 2: Rửa tay lần 1 (1 phút 30 giây)

- Làm ướt bàn tay tới khuỷa tay. Lấy 3-5ml dung dịch xà phòng khử khuẩn vào lòng bàn tay. Thực hiện thao tác 6 bước như rửa tay thường quy.

- Chà tay tới cổ tay, cẳng tay và khuỷa tay.

- Tráng tay dưới vòi nước theo trình tự từ đầu ngón tay tới khuỷa tay để loại bỏ hoàn toàn dung dịch xà phòng khử khuẩn.

Bước 3: Rửa tay lần 2 (1 phút 30 giây)

- Thực hiện lại Bước 2

Bước 4: Làm khô tay (1 phút)

- Làm khô toàn bộ bàn tay, cổ tay, cẳng tay tới khuỷa tay bằng khăn vô khuẩn dùng 1 lần.

Chú ý:

- Tổng thời gian thực hiện rửa tay tối thiểu 5 phút.

- Thời gian tay tiếp xúc với hóa chất được tính bằng tổng thời gian chà tay của 2 lần rửa tay. Không tính thời gian di chuyển tới bồn rửa tay, thời gian tráng lại tay bằng nước sạch và lau khô tay.

- Trong quá trình rửa tay, bàn tay luôn hướng lên trên.

8. LƯU HỒ SƠ

- Tài liệu được lưu bản cứng tại khoa theo 3.1.HD-QLCL  Hướng dẫn lưu trữ bản cứng Tài liệu hệ thống quản lý tại khoa phòng.

- Tài liệu được lưu trữ bản mềm trên phần mềm QMS sau khi được phê duyệt ban hành.

9. TÀI LIỆU VIỆN DẪN, THAM KHẢO, LIÊN QUAN

Thông tư 16/2018/TT-BYT ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ Y tế quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quyết định 3916/QĐ-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.